Kinh nghiệm phòng trừ bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu
Tóm tắt nội dung
Bệnh chết chậm trên cây tiêu là một loại bệnh gây hậu quả nghiêm trọng trên cây hồ tiêu. Bệnh còn có tên khác là bệnh tiêu vàng lá, tiêu bị tuyến trùng. Bài viết này Trung tâm cây giống Tiến Đạt sẽ chia sẻ cùng bà con nguyên nhân, cách nhận biết, các biện pháp phòng trừ và điều trị bệnh chết chậm ở cây tiêu. Mời bà con cùng theo dõi.
Thế nào là bệnh chết chậm ở cây tiêu?
Bệnh tiêu chết chậm, bệnh tiêu vàng lá, tiêu tuyến trùng… là tên gọi chung của 1 loạt các biểu hiện. Cùng với bệnh tiêu chết nhanh là 2 bệnh nguy hiểm đe dọa sự “tồn vong”của vườn tiêu, điểm chung là khi tiêu đã mắc bệnh, thường dễ lây lan ra khắp vườn tiêu, bùng phát thành dịch làm cây tiêu chết hàng loạt. Nên loại bỏ sớm những cây có bệnh nặng để hạn chế bệnh lây lan sang cây khác. Vẫn nên phòng bệnh hơn là trị bệnh.
Cây tiêu bị bệnh có các dấu hiệu sau
Sự sinh trưởng đột ngột chậm lại, toàn bộ lá bị vàng héo và rụng dần, các lá già bị vàng héo trước, sau đó là rụng đốt, bệnh sẽ xuất hiện thành từng vùng trong vườn tiêu, ban đầu chỉ là một vài cây sau đó lây lan sang nhiều cây bên cạnh và tạo thành vùng bệnh. Tiêu bị bệnh chết chậm vẫn có thể cho quả nhưng năng suất rất thấp. Một số cây được chăm bón tốt và tiêu tơ có bộ rễ khỏe, thì có thể cầm cự với bệnh lên đến 2-3 năm nhưng cuối cùng vẫn chết.
Tiêu bị bệnh chết chậm có bộ rễ phát triển kém, khi đào lên quan sát thấy xuất hiện các nốt sần rải rác hoặc tập trung thành từng chuỗi.
Ở tiêu tơ mới trồng được 1-2 năm và tiêu con triệu chứng vàng lá của bệnh thường dễ nhầm lẫn là thiếu dinh dưỡng, để đánh giá chính xác nên quan sát kĩ nếu thấy lá non teo nhỏ, bạc màu, lá vàng xuất hiện đồng loạt khắp trụ, bứt lá thấy khá dai. Ta kiểm tra ngay phần rễ, phát hiện thấy các nốt sần thì 99% là tuyến trùng đã xâm nhập, cây có thể chưa chết ngay nhưng sinh trưởng chậm, vào giai đoạn thu hoạch chính sẽ phát bệnh do nấm bắt đầu sinh sôi.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiêu chết chậm?
Tác nhân chính gây bệnh là tuyến trùng Meloidogyne incognita và nấm Fusarium solani. Đầu tiên tuyến trùng sẽ tấn công bộ rễ và gây ra thương tổn trên rễ, sau đó tạo cơ hội cho nấm Fusarium tấn công. Rễ tiêu bị nhiễm nấm mất dần khả năng hút nước và dinh dưỡng, các chất không chuyển được lên lá và phần thân bên trên. Các sợi nấm và bào tử sẽ lan dần lên phần thân và cành, rễ bắt đầu thối và cây sẽ chết.
Tác nhân thứ 2 sau tuyến trùng phải kể đến là rệp sáp, rệp sáp cũng làm cho rễ cây, thân cây bị tổn thương và thông qua đây nấm Fusarium xâm nhập và phá hủy rễ.
Các bào tử nấm bệnh sẽ lây lan sang các cây bên cạnh nhờ nước, do đó bệnh chết chậm thường xuất hiện vào mùa mưa.
Biện pháp ngăn ngừa lây lan bệnh chết chậm
Như đã trình bày, nguyên nhân của bệnh là do nấm kết hợp với tuyến trùng tấn công và phá hủy bộ rễ tiêu, phần rễ nằm sâu dưới đất khó can thiệp trực tiếp được, biện pháp ngăn ngừa bệnh chủ yếu là thực hiện các bước trong quy trình chăm sóc tiêu, một khi cây đã nhiễm bệnh nặng tốt nhất loại bỏ ngay, chữa bệnh rất tốn kém, hiệu quả thấp. Tốt nhất nên chủ động phòng trừ bằng các biện pháp:
- Vùng đất trước đó đã trồng các loại cây khác như cà phê, tiêu, cây công nhiệp khác bị tuyến trùng đã phá bỏ không nên tiếp tục trồng tiêu, phải xử lý đất bằng cách đào rễ, phơi nắng, hoặc luân canh các cây trồng khác. Sau đó 1-2 năm mới trồng tiêu.
- Các loại hom tiêu dùng làm tiêu giống phải xử lý bằng các loại thuốc trị nấm trước khi ươm trồng.
- Xử lý đất trong hố trồng bằng các loại thuốc trị nấm trước 10-15 ngày rồi mới trồng tiêu
- Chọn các giống tiêu có khả năng sinh trưởng khỏe mạnh và kháng bệnh tốt như: Giống tiêu Vĩnh Linh, Giống tiêu trâu, Giống tiêu Sri-lanka.
- Đối với cây trụ sống làm trụ tiêu cần rong tỉa mạnh đầu mùa mưa để tạo môi trường thông thoáng cho vườn tiêu.
- Cần đào bồn cho cây tiêu, đồng thời cần phải có rãnh thoát nước ở giữa các hàng tiêu, tránh đọng nước ở gốc tiêu từ đây nấm sẽ sinh sôi
- Việc tủ gốc trong mùa khô không nên tủ sát gốc(cách gốc 20-30cm), tưới nước vừa đủ, không tưới tràn dễ lây lan bệnh nhanh hơn.
- Tạo sự thông thoáng nơi gốc tiêu bằng cách cắt bỏ các cành ngang ở phần tán tiêu cách mặt đất 20-30cm.
- Nếu có bón phân hóa học nên bón nhiều lần lượng bón ít, cần pha loãng để tưới tránh làm xót rễ, nấm sẽ dễ tấn công.
- Phân chuồng phải ủ cho hoai mục mới được bón cho tiêu.
- Phải xử lý nấm và phơi rãnh khoảng 10-15 ngày trước khi bỏ phân, cây xanh đối với rãnh bón phân, ép xanh sau đó mới lấp đất.
- Cần hạn chế tối đa làm tổn thương bộ rễ. Mọi thao tác đào rãnh, xăm đất, cày xới, làm cỏ nên cách gốc tiêu 30cm. Nhổ cỏ bằng tay ở phần sát gốc tiêu.
- Hàng năm theo định kì nên dùng các loại thuốc chứa hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Streptomycin, Kasugamycin… để diệt nấm, diệt tuyến trùng, dùng tưới hoặc phun vào gốc tiêu. (Tuyến trùng: đợt 1 vào đầu mùa mưa, đợt 2 vào cuối mùa mưa. Nấm: đợt 1 vào đầu mùa mưa cách đợt phun tuyến trùng 15-20 ngày, đợt 2 cách đợt 1 30-40 ngày). Liều lượng và cách sử dụng nên tham khảo trên bao bì và khuyến cáo của nhà sản xuất.
Biện pháp dùng thuốc hóa học trị bệnh chết chậm trên cây tiêu.
Chỉ dùng thuốc cho các trụ tiêu bị bệnh nhẹ, mới nhiễm tuyến trùng nhưng chưa bị nhiễm nấm hoặc dùng thuốc để ngừa bệnh. Cây bị bệnh nặng quá nên tiêu hủy và xử lý tận gốc trước khi trồng lại.
- Tưới vào gốc tiêu dung dịch Bordaux 1% (Còn gọi là thuốc Boóc-đô) để phòng bệnh ở năm thứ 2. Tưới 2-3 lần chia đều suốt mùa mưa.
- Năm thứ 3 trở đi bệnh dễ xuất hiện, nên dùng các thuốc Trepachbul 607SL, Alpine 80WP, 800WDG, Mexyl MZ 72 WP phun hoặc tưới vào gốc 2-3 lần /năm, để phòng bệnh ta chia nhiều lần trong suốt mùa mưa còn nếu để chữa bệnh thì chỉ phun 1 lần/tháng đến khi bệnh khỏi hẳn.
- Khi cây đang bị chết chậm tuyệt đối không bón phân chứa nhiều đạm, cây sẽ chết nhanh hơn.
Trên đây là một vài kinh nghiệm phòng trừ bệnh tiêu chết chậm, bà con có thể tham khảo và thực hiện, chúc bà con có mùa vụ bội thu, ngoài ra nếu có nhu cầu mua giống tiêu các loại (tiêu vĩnh linh, tiêu trâu, tiêu srilanka…) đã xử lý nấm bệnh, sinh trưởng ổn định hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin sau
VƯỜM ƯƠM GIỐNG CÂY TRỒNG TIẾN ĐẠT
Địa chỉ cửa hàng: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Địa chỉ vườn ươm: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362
Điện thoại tư vấn: Thu – 0944 333 855