Thông tin về nguồn gốc, xuất xứ cây cà phê tại Việt Nam
Tóm tắt nội dung
⏩ Đặc điểm sinh học cây cà phê, nguồn gốc, xuất xứ cây cà phê tại Việt Nam sẽ là những thông tin mà bà con nên tham khảo trước khi đi sâu vào kỹ thuật trồng cà phê. Đặc biệt đối với những bà con mới trồng cà phê lần đầu, còn thiếu nhiều kinh nghiệm về loại cây này. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
⏩ Đặc điểm về phân loại thực vật học (Nguồn wikipedia)
Cây cà phê là một chi thuộc họ thiến thảo (Rubiaceae). Phần lớn gồm các loại cây lâu năm, thân đa dạng (dạng thân bụi cho đến thân gỗ) cao hàng chục mét. Các giống cà phê có hình dạng lá tương đối giống nhau. Trong chi cà phê có nhiều loài, tuy nhiên chỉ có 2 loài cà phê chứa nhiều cafein trong hạt mới có giá trị về mặt kinh tế và được khai thác. Đó là cà phê chè (Coffea arabica) chiếm 61% sản lượng cà phê thế giới và cà phê vối (Coffea canephora hay Coffea robusta) chiếm 39% sản lượng. Cuối cùng là cà phê mít (Coffea liberica và Coffea excelsa) nhưng do chất lượng hạt, độ thơm ngon kém nên chiếm sản lượng rất ít chỉ 1 %..
Chi cà phê ngoài cà phê còn có các cây như: Canh-gi-na, cây nhàu, cây ba kích…
⏩ Sử dụng cà phê làm thức uống từ khi nào?
Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có đáp án chính xác, tuy nhiên theo nhiều câu chuyện truyền miệng kể lại. Cà phê được sử dụng làm thức uống lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ 16, ở khu vực Kaffa (thuộc Ethiopia ngày nay). Cà phê có công dụng độc đáo là mang lại sự tỉnh táo, việc phát hiện cũng rất tình cờ, thú vị.
Theo đó, Một người chăn dê để đàn dê của mình đi lạc vào bìa rừng, sau đó chúng đã ăn một loại hạt nhỏ có màu đỏ. Đêm hôm đó đàn dê đã “thao thức” đến tận sáng. Tò mò, người chăn dê cũng ăn thử vài quả, và nhận thấy sảng khoái vô cùng. Ông bèn thuật lại câu chuyện cho một thầy tu trong khu vực và cùng nhau kiểm nghiệm. Sau đó mỗi khi cần thức khuya để cầu nguyện trong các buổi lễ Hồi giáo họ đều sử dụng loại nước ép từ loại trái cây trên. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng người ta đã trồng và chăm sóc thay vì chỉ tận dụng các quả hoang dại có sẵn. Càng về sau, việc sử dụng nước ép từ trái cà phê càng trở nên phổ biến, cùng với sự mở rộng của đế quốc Ottoman cà phê đã du nhập vào Ả rập, các nước Trung Đông, rồi đến tận Châu Âu.
Hiện nay, cà phê được xem là thứ thức uống được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, được pha chế theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc nền văn hóa, khu vực địa lý.
⏩ Việt Nam trồng và sử dụng cà phê từ khi nào?
Cà phê tại Việt Nam được du nhập vào thời kỳ Pháp thuộc (thế kỷ 19-20) do người pháp mang đến. Cà phê rất thích nghi với khí hậu và đất đai nước ta, từ chỗ chỉ thử nghiệm đã chuyển sang trồng đại trà trong các đồn điền, trang trại. Đồn điền cà phê đầu tiên là ở Kẻ Sở, Bắc Kỳ năm 1888, sau đó là vùng Phủ Lý, Ninh Bình. Rồi đến Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên. Năm 1938 cả nước đã có hơn 13 ngàn hecta cà phê, sản lượng là 1.500 tấn.
Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê vào năm 2016, chỉ sau Brasil. Riêng xuất khẩu cà phê vối Việt Nam đứng thứ nhất.
Khu vực Tây Nguyên là nơi cà phê được trồng nhiều nhất, đứng đầu là Đăk Lăk, Đăk Nông rồi đến Lâm Đồng. Chủ yếu là cà phê vối. Cà phê chè cho giá trị kinh tế cao hơn nhưng lại không phổ biến bằng do ít phù hợp về khí hậu. Chỉ trồng với diện tích nhỏ ở Lâm Đồng và một vài tỉnh phía Bắc.
Sau thời gian dài canh tác đã chọn lọc và lai tạo ra các giống cà phê cao sản như xanh lùn TS5 (Lâm Đồng) TR4, TR9, TRS1 (Đăk Lăk), Cà phê dây (Đăk Nông) góp phần rất lớn đến việc nâng cao năng suất và chất lượng cà phê Việt Nam. Các giống này cho năng suất cao(7-10 tấn/hecta). Kháng bệnh nấm hồng và gỉ sắt cà phê cực tốt.
⏩ Danh sách một số nước xuất khẩu cà phê
5 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới năm 2007 (FAO) và 2017 (ICO) đơn vị tính: tấn
- 1 – Brasil 2.249.010
- 2 – Việt Nam 961.200
- 3 – Colombia 697.377
- 4 – Indonesia 676.475
- 5 – Ethiopia 325.800
⏩ Đặc điểm sinh học của cây cà phê
Đặc điểm về Thân, lá, rễ: Thân thuộc loại thân gỗ, trong tự nhiên có thể cao đến 15m. Trong sản xuất người ta thường hãm ngọn ở chiều cao 2-4 met để tiện chăm sóc, thu hoạch. Lá cà phê hình ô-van (mũi mác) thay đổi nhẹ tùy theo giống, mặt trên xanh đậm và bóng hơn so với mặt dưới. Cuống lá ngắn. Tên gọi cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít… xuất phát từ hình dạng lá giống với lá chè xanh, lá vối, lá mít mà ra. Rễ cà phê thuộc dạng rễ cọc ăn sâu xuống đất 1-2 mét. Rễ nhánh xòe ngang, có nhiều rễ cám để hút chất dinh dưỡng ở tầng mặt.
Đặc điểm về Hoa: màu trắng, mọc thành chùm, có 5 cánh. Trong điều kiện hoang dại, cây sẽ ra hoa quanh năm khi gặp trời mưa. Trong sản xuất muốn cây ra trái đồng loạt, người ta phải tiến hành tưới tập trung vào đầu mùa khô, vừa để chống hạn, vừa giúp cây ra hoa tập trung tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Vào khoảng tháng 1-3 DL, vào thời gian này hoa của cây cà phê trồng ở vùng Tây nguyên bắt đầu nở rộ tạo ra nét đặc sắc về du lịch. Hoa thường nở vào buổi sáng, theo từng đợt mỗi đợt hoa khoảng 3-4 ngày, Hoa chỉ thụ phấn trong vòng vài giờ đồng hồ.
Đặc điểm về Quả: Có hình bầu dục hoặc tròn, có núm bò – kích thước to nhỏ tùy theo giống. Do cuống ngắn nên quả thường khít lại thành chùm giống quả anh đào. Từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch kéo dài từ 8-10 tháng. Khi chín quả chuyển từ màu xanh sang vàng rồi đỏ. Mỗi quả thường có 2 nhân(hạt). Nhân hình bán nguyệt 2 phần phẳng ép sát vào nhau. Bao quanh nhân là một lớp vỏ cứng màu trắng, sẽ giòn khi phơi khô. Tỷ lệ tươi /nhân (số kg cà phê tươi tương ứng với số kg cà phê nhân thu được) dao động ở mức 3.8kg/1kg – 5kg/1kg.
⏩ Thời gian thu hoạch, tuổi thọ của cà phê
Cây cà phê sau khi trồng 3 năm bắt đầu ra quả bói, nếu trồng cà phê ghép từ năm thứ 2 đã có quả bói. Giai đoạn kiến thiết cơ bản tính từ năm 1-3. Từ năm thứ 4 trở đi gọi là giai đoạn kinh doanh. Giai đoạn cây sung sức nhất,cho năng suất đạt đỉnh điểm là từ năm thứ 8 – 15, sau đó bắt đầu giảm dần
Tuổi thọ của cây cà phê lên đến 50 năm. Tuy nhiên người ta chỉ khai thác trong vòng 25-30 năm. Vì càng về sau cây trở nên già cỗi và năng suất rất kém, tái sử dụng bằng cách cưa đốn phục hồi hoặc nhổ bỏ trồng mới.
Vụ thu hoạch cà phê là từ tháng 10 đến tháng 12 DL, có thể muộn hơn (vào khoảng tháng 1-2DL) đối với một số giống cà phê chín muộn như cà phê xanh lùn Lâm Đồng, Cà phê dây Đăk Nông, cà phê TR9 của Viện Eakmat… Do đó trước khi trồng cần lưu ý đến khâu chọn giống sẽ tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch sau này.
Sau khi thu hoạch Cà phê sẽ được phơi, sấy cho thật khô sau đó xay để tách lấy nhân. Cà phê nhân có thể bảo quản trong thời tối đa là 6 tháng. Riêng Hạt được chọn để làm hạt giống cà phê không được bảo quản quá lâu, sẽ giảm tỷ lệ nảy mầm.