Phân loại các giống bơ phổ biến trên thị trường hiện nay
Tóm tắt nội dung
Việc phân loại các giống bơ thường dựa trên nguồn gốc giống, đặc tính sinh trưởng, hình thái (lá, quả, độ phủ tán…). Khi nắm bắt được nguồn gốc giống bơ mình sắp canh tác hoặc mở rộng, phần nào sẽ giúp cho bà con có được quy trình chăm sóc phù hợp, nâng cao năng suất cũng như hạn chế được những rủi ro về thời tiết… Mời bà con cùng tham khảo.
Nguồn gốc cây bơ ở Việt Nam
Cây bơ vốn có xuất xứ từ vùng Trung Mỹ, phân bổ rộng từ các đới khí hậu nhiệt đới đến cận nhiệt đới, cụ thể là khu vực Mexico, Cuba, Guatemala, California – Florida (Mỹ)… Tại Việt Nam cây bơ được người Pháp đem đến trồng thử nghiệm từ những năm 1940 thế kỷ 20, về sau được nhân rộng ra khắp cả nước, tuy nhiên chỉ có các vùng ở miền trung trở vào Nam là thích hợp nhất để trồng bơ, đặc biệt là Tây Nguyên, ở phía bắc cũng có một số khu vực nhỏ trồng được, nhưng do yếu tố thời tiết nên thường cho năng suất cũng như chất lượng chưa cao
Việc nhân giống bơ tại Việt Nam trước đây chưa được chú trọng, chủ yếu là trồng từ hạt nên có sự phân ly rất lớn về đặc tính, tuy nhiên cũng nhờ đó mà xuất hiện những giống bơ có ưu điểm riêng, chẳng hạn giống bơ 034 trái dài sáp dẻo thơm ngon cho thu hoạch 2 vụ năm, giống bơ tứ quý thu hoạch quanh năm, giống bơ Thành Bích quả siêu to…
Phân loại bơ dựa theo chủng giống
Dựa theo các tài liệu ghi chép cũng như nghiên cứu về đặc tính thực vật, các nhà khoa học chia bơ thành 3 chủng chính. Chủng Mexico, chủng Guatemala và chủng West Indian
- Chủng Mexico: Xuất phát từ vùng cao nguyên nhiệt đới của Mexico, có khả năng chịu được khí hậu lạnh, quả thường có màu nâu tím, da sần sùi, hàm lượng chất béo cao
- Chủng Guatemala: Xuất phát từ những vùng thấp hơn của Mexico và một phần Guatemala, có đặc tính chịu hạn trung bình, vỏ quả sáng màu, lớp vỏ dày, sần sùi, hàm lượng chất béo trung bình thấp hơn chủng Mexico
- Chủng West Indian: Mặc dù có tên gọi dịch ra là Tây Ấn, nhưng thực tế chủng bơ này xuất phát từ vùng bán đảo bán đảo Yucatan, Trung Mỹ. Các giống bơ thuộc chủng này thường có trái hình quả lê, vỏ trơn bóng, mọng nước, mẫu mã đẹp, độ béo vừa phải. Cây chịu lạnh kém, nhưng sức sinh trưởng khá mạnh, chịu được đất mặn và đất nhiễm flour
Phân loại bơ dựa theo nguồn gốc
Nếu dựa vào tiêu chí là nguồn gốc của giống, chúng ta có thể chia bơ thành 2 giống chính. Giống bơ địa phương (bơ trong nước) và giống bơ ngoại nhập. Trong khi hầu hết các giống bơ ngoại nhập đều đã được định danh, có tên gọi riêng từ lâu, thì hầu hết các giống trong nước lại đang trong quá trình chọn lọc và phân loại chủ yếu từ 20 năm trở lại đây. Chính nhờ việc trước đây bà con chủ yếu trồng bơ từ hạt, nên việc xuất hiện nhiều giống mới ưu điểm nổi trội, góp phần không nhỏ vào sự phong phú về chủng loại giống bơ như hiện nay.
- Các giống bơ trong nước: Được tuyển chọn bởi cá nhân, các viện khoa học nông nghiệp, được Sở và Bộ Nông Nghiệp công nhận hoặc chưa, nhưng đều được thị trường trong nước đón nhận và tiêu thụ mạnh. Ưu điểm chung là năng suất cao, ít sâu bệnh, do thích nghi tốt với khí hậu Việt Nam
- Các giống bơ ngoại nhập: Chủ yếu được nhập về từ Úc, Mỹ, Thái Lan và Indo. Những giống này vốn được nông dân trên thế giới canh tác từ lâu, đã được đặt tên và lập danh sách đặc tính cụ thể. Nhập về Việt Nam thông qua tư nhân hoặc Viện Khoa Học Nông Nghiệp của từng khu vực
Phân loại giống bơ dựa theo đặc tính ra hoa
- Hoa nhóm A: Những giống bơ thuộc nhóm hoa này thường nở hoa vào buổi sáng, nhụy chín sẵn sàng thụ phấn nhưng nhị lại chưa bung phấn, phải đến trưa ngày hôm sau thì nhị mới bung phấn, lúc này thì nhụy đã héo không còn khả năng thụ phấn nữa.
- Hoa nhóm B: Có đặc tính ngược lại so với nhóm A. Hoa nở chủ yếu vào buổi chiều, nở lần thứ 2 sau 24 tiếng
- Từ những đặc điểm trên có thể thấy, để tăng tỷ lệ đậu quả cho cây bơ, cần xác định được giống bơ thuộc nhóm hoa nào, tiến hành trồng xen kẽ 2 hoặc nhiều giống có đặc tính hoa khác nhau, như vậy tỷ lệ thụ phấn và khả năng đậu trái sẽ cao hơn rất nhiều
Một số tiêu chuẩn để lựa chọn giống bơ
- Năng suất cao và ổn định 200kg – 300kg/cây/năm
- Cỡ quả từ 3-4 quả/kg
- Dạng quả cân đối, tròn hoặc hình trái lê
- Vỏ dày giúp bảo quản tốt hơn, tăng khả năng vận chuyển đi xa
- Cơm (thịt quả) dày, màu sắc bắt mắt, không xơ, tỷ lệ thịt quả trên 70%
- Chất khô khi quả già chiếm trên 15%
- Thời gian nuôi quả trên cây từ lúc đậu trái trên 6 tháng
- Cho thu hoạch sớm hoặc muôn hơn vụ chính 1-2 tháng
- Tán cây gọn, ít sâu bệnh, khả năng thích nghi rộng
Danh sách các giống bơ ngon trong nước
- Giống bơ của công ty DakFarm: bao gồm các mã từ CĐD-BO-41.01 đến CĐD-BO-41.05
- Giống bơ 034
- Giống bơ Năm Lóng
- Giống bơ Thành Bích
- Giống bơ Không Tên
- Giống bơ Đức Huấn
- Giống bơ TA1 – TA40 (Viện Eakmat)
Danh sách một số giống bơ ngon ngoại nhập
- Giống bơ Booth (chủ yếu là Booth 5, Booth 7 và Booth 8)
- Giống bơ Hass (bao gồm Hass và Lamb Hass)
- Giống bơ Gem
- Giống bơ Reed
- Giống bơ Pin (tên đầy đủ là Pinkerton)
Chi tiết về đặc điểm, năng suất, chất lượng trái… Mời bà con tham khảo trong tại các bài viết ở link sau:
Mức độ phổ biến của các giống bơ
- Các giống bơ trong nước
- Các giống bơ ngoại nhập