Giới thiệu các giống bơ sáp ngon có nguồn gốc Việt Nam
Tóm tắt nội dung
Các giống bơ sáp ngon trong nước hiện nay có rất nhiều loại, chủ yếu được tư nhân, doanh nghiệp và một số viên nghiên cứu tuyển chọn từ những cây bơ được nhân giống từ hạt. Chưa có sự lai tạo có chủ ý. Những giống bơ này hầu hết đều có sự phân ly rất lớn về đặc tính so với cây mẹ. Một số xuất hiện nhiều ưu điểm nổi trội nên được theo dõi và nhân giống rộng rãi, từ đó tạo thành những giống bơ có tên tuổi và dần được thị trường đón nhận
Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua một số giống bơ ngon trong nước đã được đặt tên, nhân giống rộng rãi. Bao gồm nguồn gốc, đặc tính sinh trưởng, năng suất,… mời bà con cùng tham khảo
Các giống bơ ngon trong nước
Giống bơ 034
Đây là giống bơ có xuất xứ từ Bảo Lâm, Lâm Đồng, do ông Nguyễn Văn Dậu là chủ sở hữu, cây đầu dòng hiện đã có tuổi thọ hơn 20 năm. Khi ông Dậu đến vùng đất này lập nghiệp thì cây bơ đã có sẵn trong vườn, hàng năm cho thu hoạch từ 2-3 vụ, năm 2009 giống bơ 034 hính thức được Sở Nông Nghiệp tỉnh Lâm Đồng công nhận giống đầu dòng và khuyến khích bà con nhân rộng.
Một số đặc điểm chính của giống bơ 034 có thể kể đến như sau
- Cây sinh trưởng mạnh, thích nghi rộng, cành hơi nhỏ
- Lá nhám, ít bóng, viền lá gợn sóng, đuôi lá nhọn thấy rõ
- Trái có chiều dài từ 25-35cm, hình dáng giống trái cà tím
- Quả chín có vỏ xanh, cơm bên trong màu vàng rất bắt mắt, ăn rất dẻo, mềm và không sơ
- Hạt nhỏ, đôi khi không có hạt (lép)
- Trọng lượng trung bình 400 – 600gr/quả
- Mỗi năm cho thu hoạch từ 2-3 vụ, tỷ lệ đậu trái cao
- Năng suất bình quân 2-3 tạ/cây/năm (tùy theo độ tuổi cây và điều kiện thời tiết)

Giống bơ Năm Lóng
Giống bơ này hiện nay chưa có nhiều thông tin về nguồn gốc cũng như chủ sở hữu, tuy nhiên theo một số thông tin thì giống có nguồn gốc từ nhà ông Năm Lóng thuộc khu vực Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Giống bơ Năm Lóng có hình dáng trái cân đối, độ sáp dẻo cao, cơm màu vàng đậm bắt mắt, được thị trưởng rất ưa chuộng.
Một số đặc điểm của giống bơ Năm Lóng
- Cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao, tỷ lệ đậu trái ổn định
- Lá già xanh đậm, hình dáng cân đối, mặt lá bóng, mép lá không gợn sóng
- Trái có hình dáng hơi thon dài phần cuống, cân đối, mẫu mã đẹp
- Chín màu xanh, cơm màu vàng đậm, thời gian bảo quản tối đa 5 ngày
- Trọng lượng trung bình 0,5 – 0,6kg/quả
- Năng suất trung bình: Chưa có thông tin
- Vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8 DL

Giống bơ Không Tên (MD02)
Đây cũng là một giống bơ có xuất xứ từ khu vực Cẩm Mỹ, Đồng Nai, được một hộ nông dân mang về trồng, nhận thấy bơ ăn rất ngon và có nhiều ưu điểm nên tiến hành nhân rộng, do ban đầu không biết bơ thuộc giống bơ gì, nên gọi tạm là bơ Không Tên, về sau mọi người quen miệng nên tiếp tục gọi như vậy. Hiện tại giống đã được đặt tên là giống bơ MD02 được Sở Nông Nghiệp Đồng Nai công nhận năm 2017 và đang từng bước được thị trường trong nước tin dùng
Một số đặc điểm của giống bơ Không Tên MD02
- Cây sinh trưởng mạnh, trồng thử nghiệm ở các khu vực khác cho kết quả rất khả quan
- Lá hình ovan cân đối, nhọn ít phần đuôi lá, hơi dày, gân lá nổi rõ, mặt lá ít bóng
- Trái có hình dáng cân đối hơi cong về phần cuống, vỏ bóng láng, mẫu mã bắt mắt
- Khi chín da màu xanh, cơm màu vàng đậm, hạt dính khít vào cơm, độ sáp dẻo cao, không bị xơ
- Trọng lượng bình quân 0,6 – 0,7kg/quả
- Năng suất giai đoạn kinh doanh: Chưa có thông tin
- Thời điểm thu hoạch: Chưa có thông tin

Giống bơ Thành Bích (giống bơ khủng trái siêu to)
Giống bơ Thành Bích thuộc sở hữu của ông Trương Đức Thành địa chỉ thị trấn Đăk Mil, huyện Đăk Mil, Đăk Nông, giống được ông mang về từ nhà bố vợ ở cùng địa phương trên, trồng vào những năm 1999, hiện nay cây bơ mẹ đã gần 20 tuổi, hàng năm cho thu hoạch từ 7 tạ đến 1 tấn quả, mỗi quả nặng trung bình 1,5kg, có quả lên đến 2kg. Giá thị trường thường đạt mức 55.000 – 60.000đ/kg. Mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân
Một số đặc điểm của giống bơ Thành Bích
- Lá to, cành lá xum xuê, sức sinh trưởng mạnh mẽ
- Lá non màu đỏ, mặt lá trơn bóng, phiến to, mép lá hơi gợn sóng
- Trái có hình elip cân đối, hình dáng giống trái dưa gang
- Vỏ quả màu xanh, chín tím, hạt bên trong rất nhỏ
- Cơm dày, vị ngon, tuy nhiên chưa thể gọi là bơ sáp
- Trọng lượng quả trung bình từ 1,5kg trở lên
- Năng suất tăng dần qua các năm, vào giai đoạn kinh doanh có thể đat 5 tạ – 7 tạ/cây
- Thời điểm thu hoạch tháng 8 – tháng 10 DL

Giống bơ tứ quý Đức Huấn
Giống bơ tứ quý Đức Huấn, hiện tại đang được chủ nhân là ông Nguyễn Ngọc Đức quản lý, địa chỉ tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk. Năm 1990 gia đình ông mua lại miếng đất rẫy của một người cùng xã, trong này có sẵn một số cây bơ, tuy nhiên giá bơ tại thời điểm đó rất thấp, ông Đức chỉ giữ lại những cây xanh tốt nhất để làm cây che bóng. Trong số đó có một cây bơ, nhiều năm không ra trái, nhưng đến khi ra thì ra liên trái liên tục, vụ này gối đầu vụ sau, cho thu hoạch trái gần như quanh năm.
Một số đặc điểm của giống bơ tứ quý Đức Huấn
- Cây sinh trưởng mạnh, cành to, lá xanh tốt
- Lá có hình dáng bề ngoài rất giống lá bơ booth
- Trái có hình dáng giống quả lê hơi thuôn dài, vỏ quả màu xanh nhạt
- Khi chín có màu xanh, cơm màu vàng nhạt, độ béo cao, không hẳn là bơ sáp nhưng ăn rất ngon
- Trọng lượng quả từ 0,3 – 0,5kg/quả. Tùy theo thời điểm thu hoạch mà có chất lượng và trọng lượng khác nhau
- Năng suất khó tính toán vì cho quả quanh năm
- Thu hoạch gối đầu liên tục trong năm

Một số giống bơ khác xuất xứ trong nước
Bên cạnh các giống bơ vừa nêu trên, thì còn một số giống bơ trong nước khác cũng có tên tuổi và được thị trường ưa chuộng, có thể kể đến như
- Giống bơ của Công Ty DakFarm: Các giống CĐD-BO-41.01 đến CĐD-BO-41.05
- Giống bơ của Công Ty Trịnh Mười: Các giống BXM1 đến BXM4
- Giống bơ của Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (Viện Eakmat): Các giống TA1, TA40…

Đây đều là các giống bơ ngon, có khả năng thích nghi rộng, thu hoạch vụ chính, vụ muôn hoặc rải vụ (bơ tứ quý) quanh năm, năng suất cao, trái to, mẫu mã bắt mắt, bà con có thể tìm đến trực tiếp trụ sở của các doanh nghiệp trên để tham khảo thêm.
Đánh giá chung các giống bơ trong nước
Nhìn chung, các giống bơ trong nước hầu hết đều có ưu điểm là trái to, độ sáp dẻo cao, hương vị thơm ngon, một số giống tuy hương vị bình thường nhưng lại có khả năng ra trái vụ hoặc ra quanh năm, mang đến nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nông dân.
Tuy nhiên nếu xét về nhược điểm thì đa phần đều là các giống bơ có vỏ mỏng, mau chín, thời gian bảo quản không quá 5 ngày, vận chuyển đi xa rất bất tiện. Thị trường chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu trong nước, một thời gian tới nguy cơ sẽ mất giá do bão hòa, nguồn cung vượt cầu. Để có thể giúp bơ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, thì trước hết cần có sự chủ động trong canh tác, áp dụng phương pháp hữu cơ, thu sản phẩm sạch đạt chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP, đồng thời nghiên cứu các biện pháp bảo quản thời gian dài hơn, thì mới tăng được khả năng cạnh tranh với các giống bơ ngoại như bơ booth, bơ hass, bơ reed, bơ pinkerton…
Bài viết trên có thể còn nhiều thiếu sót, do nguồn thông tin về các giống bơ này còn hạn chế, chưa được công bố rộng rãi, mong được chủ sở hữu và bà con góp ý, bổ sung thêm. Xin chân thành cảm ơn
Đánh giá các giống bơ ngon trong nước
- Bơ 034 Dậu Loan
- Bơ 5 Lóng
- Bơ Không Tên MD02
- Bơ Thành Bích
- Bơ tứ quý Đức Huấn
- Các giống bơ khác